Bảo vệ sức khỏe trẻ em trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ
Tết đến xuân về là dịp để các gia đình quây quần, sum họp và tận hưởng những khoảnh khắc bên nhau. Trong những ngày tết, hầu hết mọi người đều nghỉ ngơi, thả lỏng sau một năm dài làm việc vất vả. Đây là khoảng thời gian của những bữa cơm gia đình, đông đảo họ hàng và người thân, những chuyến đi chơi, du xuân tụ tập đông người.
Trong không khí đó, những gia đình có trẻ nhỏ, đôi khi cha mẹ cũng trở nên dễ tính hơn với các con mà bỏ qua những lịch trình, chế độ sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ. Do đó, những ngày Tết, nếu không chăm sóc sức khỏe cho trẻ đúng cách, các trẻ rất dễ gặp phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Ngoài ra, Tết là thời điểm giao mùa, các loại virus, vi khuẩn có xu hướng gia tăng, rất dễ gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm. Lúc này, trẻ nhỏ với sức đề kháng yếu dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm số trẻ em gặp các vấn đề về sức khỏe như tiêu chảy cấp, cảm cúm, viêm phổi, dị ứng… gia tăng.
Để đảm bảo sức khỏe trẻ em trong mùa lễ tết, cha mẹ cần lưu ý đến những bệnh sau đây bé thường mắc phải, qua đó biết cách bảo vệ và phòng ngừa hiệu quả nhất.
Bệnh rối loạn tiêu hóa
Dịp tết trẻ em thường hay bị rối loạn tiêu hoá biểu hiện như táo bón, tiêu chảy, nôn, chán ăn, bụng căng, nguyên nhân do các bé ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, hoa quả, ăn lại thực phẩm cũ, đồ ăn lạ… chế độ ăn uống khoa học không còn nữa có thể bị đảo lộn. Đối với trẻ đang bú sữa mẹ hoàn toàn, nhiều mẹ bỉm có thể ăn quá nhiều lượng thức ăn dầu mỡ, cay, nóng hoặc ăn uống không đúng giờ giấc làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Từ đó, bé cũng có bị rối loạn tiêu hóa.
Bệnh cảm lạnh
Khi thời tiết thay đổi thất thường, trẻ nhỏ rất dễ bị cảm lạnh. Nhất là thời điểm những ngày cận tết và Tết với nhiệt độ thấp làm tăng nguy cơ bị nhiễm lạnh. Trẻ em mắc cảm lạnh thường có các triệu chứng như ho, nóng sốt, sổ mũi, đau họng. Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi và ít hoạt bát hơn bình thường. Các triệu chứng này xuất hiện từ 1-3 ngày sau khi trẻ tiếp xúc với vi rút.
Bệnh về da, dị ứng
Dị ứng cũng là tình trạng nhiều bé thường mắc vào dịp Tết. Các dấu hiệu nhận biết như nổi mẩn đỏ, nổi mề đay, sưng vù, khó thở. Nguyên nhân do trong dịp Tết, việc ăn uống các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc các thực phẩm quá hạn sử dụng có thể khiến bé gặp phải tình trạng dị ứng thức ăn. Ngoài ra, nếu trẻ đi đường nhiều, di chuyển nơi này đến nơi khác, đi chơi, thăm họ hàng người thân chúc tết, tiếp xúc với thú cưng, bụi, phấn hoa, hoặc sự thay đổi về nguồn nước, môi trường cũng có thể gây ra tình trạng dị ứng hô hấp, dị ứng da với những bé có sức đề kháng yếu, làn da nhạy cảm.
Bệnh đường hô hấp
Các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em thường gặp dịp Tết bao gồm viêm mũi, viêm phế quản, viêm họng và trong một số trường hợp nặng hơn là viêm phổi. Những bệnh này thường xuất hiện do sự thay đổi của thời tiết và tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như khói thuốc, vi khuẩn hoặc virus trong không khí.
Trẻ em mắc các bệnh đường hô hấp thường có triệu chứng như ho khan, ho có đờm, khó thở, đau ngực đôi khi kèm theo sốt. Trẻ cũng có thể cảm thấy mệt mỏi và chán ăn. Trong trường hợp bệnh nặng có thể gây ra khó thở và cần được chăm sóc y tế. Tết cũng là thời điểm số lượng trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng.
Vậy làm thế nào để bé khỏe mạnh, an toàn nhất trong ngày Tết.
- Chế độ ăn uống và dinh dưỡng đúng cách: Mẹ nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé để tăng sức đề kháng. Không cho trẻ ăn thực phẩm có nguy cơ ôi thiu hoặc không rõ nguồn gốc. Tránh thực phẩm chế biến sẵn và các loại nước ngọt, bánh kẹo, nhất là trước các bữa ăn chính để tránh làm giảm cảm giác ngon miệng của trẻ.
- Môi trường sống và các sản phẩm tiếp xúc với trẻ, đặc biệt là thức ăn.
- Giữ ấm cho trẻ khi ở nhà kể cả khi ra đường để bé luôn khỏe mạnh.
- Duy trì chế độ sinh hoạt không bị đảo lộn, đảm bảo cho bé ăn uống, nghỉ ngơi hợp lí.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé: Cần rửa tay thường xuyên, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, vệ sinh răng miệng cho bé mỗi ngày, tắm rửa thường xuyên, thay quần áo hàng ngày để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn, không để bé sử dụng chung bát, đĩa, muỗng, nĩa và ống hút với người khác. Điều này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh, tránh tiếp xúc với người bệnh, tụ tập đông người.
Dịp Tết, mẹ nên hạn chế cho bé tiếp xúc nơi đông người khi đi du xuân để phòng tránh bé lây bệnh.
Các dấu hiệu cần cho bé nhập viện
Trong trường hợp trẻ bị cảm cúm, có biểu hiện sổ mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ nhưng vẫn ăn uống khỏe bình thường cha mẹ có thể theo dõi trẻ ở nhà.
Tuy nhiên, nếu gặp phải những dấu hiệu sau, ba mẹ nên cho bé đến ngay cơ sơ y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời:
- Trẻ tím tái, khó thở: Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở hoặc thở rít, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng hô hấp nghiêm trọng.
- Sốt cao và có nguy cơ co giật: Sốt cao không giảm hoặc đi kèm với nguy cơ co giật cần được xử lý y tế ngay lập tức.
- Trẻ có dấu hiệu mất nước hoặc xuất huyết
- Tiêu chảy kèm sốt, bỏ ăn.
- Có dấu hiệu mất nước, xuất huyết.
Cha mẹ cần nắm rõ những dấu hiệu trên để đưa trẻ đến cơ sở y tế. Việc chần chừ hoặc tự điều trị tại nhà làm tăng nguy cơ biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em.
Dù Tết là dịp để gia đình quây quần, tận hưởng không khí lễ hội và thư giãn, tuy nhiên cha mẹ cần bảo vệ chăm sóc trẻ em vẫn là ưu tiên hàng đầu. Hãy đảm bảo an toàn sức khoẻ cho trẻ cùng nhau tạo nên một kỳ nghỉ Tết vui vẻ, an lành và trọn vẹn./.
Xuân Yên - Phòng Dân số - Truyền thông & GDSK - TTYT