TRẠM Y TẾ XÃ BÌNH LONG

1. Đặc điểm, tình hình:

- Bình Long là xã nông thôn, chạy dài theo quốc lộ 91 khoảng 03 km; phía Đông giáp sông Hậu; phía Tây giáp xã Bình Phú; phía Nam giáp xã Bình Mỹ và Bình Chánh; phía Bắc giáp TT Cái Dầu.

- Tổng diện tích tự nhiên: 25,56 km2; có 07 ấp; có 164 tổ tử quản; Dân số: 15.092 người; số hộ: 4255; số hộ sống bằng nghề nông 80%; Dân tộc gồm: Người Kinh, người Hoa, người Chăm, người Khmer, Người Kinh chiếm 99,9%.

- Trạm y tế được xây dựng cập quốc lộ 91, người dân dễ dàng tiếp cận, giao thông thuận lợi, vận chuyển đến trạm dễ dàng.

- Địa điểm Trạm Y tế: Tổ 17, ấp Chánh Hưng, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

- Điện thoại số 02963 688 949

- Quá trình thành lập và phát triển: Trạm được thành lập theo Quyết định số: 25/SYT/TC ngày 25 tháng 01 năm 1996 của Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang. Từ đó phát triển đến nay Trạm Y tế đã 2 lần xây dựng: Lần thứ nhất vào năm 1996, lần thứ hai vào năm 2017 gồm có 10 phòng chức năng.

2. Nhân sự:

- Trạm Y tế xã Bình Long có 10 cán bộ; có đủ các chức danh gồm: 01 Bác sĩ, 04 Y sĩ, 01 Y sĩ YHCT, 01 điều dưỡng trung học, 01 Hộ sinh Trung học , 01 Dược sĩ cao đẳng và 01 Dược sĩ trung học.

- Có 07 nhân viên y tế ấp/07 ấp.

- Có 07 cộng tác viên phòng chống suy dinh dưỡng và 32 cộng tác viên dân số.

- Trạm Y tế có chi bộ sinh hoạt Đảng riêng.

3. Chức năng, nhiệm vụ:

1. Thường trực Ban chăm sóc sức khoẻ cấp xã, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai kế hoạch sau khi được phê duyệt.

2. Tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn:

a. Truyền thông – Giáo dục sức khoẻ: Tư vấn, tuyên truyền về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống; vận động quần chúng tham gia các hoạt động bảo vệ CSSK nhân dân, dân số và phát triển.

b. Y tế dự phòng: Tiêm chủng mở rộng; phòng chống HIV/AIDS; phòng chống bệnh lây nhiễm, bệnh không lây; bệnh chưa rõ nguyên nhân báo cáo dịch bệnh; giám sát dịch bệnh, vệ sinh môi trường; các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng; phòng chống tai nạn thương tích; xây dựng cộng đồng an toàn; y tế học đường; an toàn thực phẩm; dinh dưỡng cộng đồng.

c. Khám, chữa bệnh: Sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự.

d. Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ-trẻ em/chăm sóc sức khoẻ sinh sản: quản lý thai, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh trước và sau sinh, cấp cứu ban đầu về sản khoa và sơ sinh; chăm sóc sức khoẻ trẻ em, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ tại Trạm Y tế và cộng đồng, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng kỹ thuật đơn giản.

e. Quản lý sức khoẻ cộng đồng: Quản lý sức khoẻ hộ gia đình, người cao tuổi, các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân, bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính; phối hợp thực hiện quản lý sức khoẻ học đường.

f. Thuốc thiết yếu: Quản lý nguồn thuốc, vắc xin được giao theo quy định; hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; phát triển vườn thuốc nam mẫu phù hợp với điều kiên thực tế.

3. Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và quản lý; hướng dẫn, kiểm tra YTTB, cộng tác viên y tế.

4. Dân số-kế hoạch hoá gia đình: Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình; cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình theo phân tuyến kỹ thuật.

5. Tham gia kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập và các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe: Phát hiện và báo cáo các vi phạm hoạt động y tế; an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.

6. Quản lý viên chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

7. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.

8. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Trung tâm Y tế huyện giao và theo yêu cầu của Chủ tịch uỷ ban nhân dân xã.